Mở đầu cho xu hướng này, trước hết phải kể đến Tập đoàn Tân Hiệp Phát với việc đưa công nghệ chiết lạnh vô trùng Aseptic, công nghệ lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam vào trong dây chuyền sản xuất trà Barley 0 độ. Nhờ có công nghệ này mà sản phẩm trà Barley 0 độ giữ được khá nguyên vẹn hương vị thiên nhiên của nguồn nguyên liệu.
Không lâu sau khi ứng dụng công nghệ Aseptic cùng quá trình quảng bá các nhãn hiệu, Tân Hiệp Phát đã trở thành một “đại thụ” trong “làng” trà xanh. Sản phẩm trà Barley 0 độ hiện đang trở thành mặt hàng có sức tiêu thụ mạnh, chiếm thị phần lớn nước giải khát trong nước
Không đứng ngoài xu thế chung, từ năm 2009, Công ty cổ phần Bia và nước giải khát Việt Hà (Việt Hà Beer) cũng đã đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, với thiết bị công nghệ lần đầu xuất hiện tại Việt Nam, giới thiệu đến người tiêu dùng sản phẩm mới bia tươi đóng chai Pet.
Ông Phạm Kim Sơn, Tổng giám đốc Việt Hà Beer cho biết, việc sử dụng chai Pet với công nghệ oxy hóa cao giúp giữ được hương vị bia tươi nhẹ nhàng, êm dịu cùng cảm giác mát lạnh. “Chai Pet chỉ sử dụng một lần, không tái sử dụng như chai thủy tinh, nên đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm và thuận lợi cho các nhà phân phối vì không phải thu hồi vỏ chai”, ông Sơn nói Việt Hà Beer cũng đã đưa vào sử dụng công nghệ màng lọc bia tươi và bia hơi thanh trùng CFS. Công nghệ này giúp loại bỏ toàn bộ chủng vi sinh (có thể làm hỏng hoặc giảm chất lượng bia), tạo sản phẩm bia tươi giữ được mùi thơm, “độ tươi” và hương vị nguyên thủy của bia sau lên men do không sử dụng bất kỳ tác động nào của nhiệt độ. Sản phẩm bia sau tiệt trùng có thể bảo quản ở điều kiện nhiệt độ thường trong vòng 6 tháng.
Dây chuyền công nghệ sản xuất bia Việt Hà chai pet
Bên cạnh việc đầu tư vào công nghệ mới, Việt Hà Beer đã đầu tư trên 500 tỷ đồng xây dựng Nhà máy Bia Việt Hà II công suất đạt trên 150 triệu lít bia/năm và triển khai hình thành hệ thống phân phối sản phẩm rộng khắp miền Bắc gồm 2.000 điểm tại Hà Nội và trên 4.000 điểm tại các tỉnh, thành phố với quyết tâm trở thành nhà cung cấp bia lớn trong thị trường đồ uống và nước giải khát Việt Nam.
Công ty Kirin Acecook cũng đã có được những thành công nhất định, sau khi đầu tư 60 triệu USD cho dây chuyền nhập ngoại để ra mắt sản phẩm nước giải khát pha sữa đầu tiên tại Việt Nam.
Ông Yokomizo Munechika, Tổng giám đốc Kirin Acecook Việt Nam cho biết, chỉ sau 4 tháng ra mắt, sản phẩm của Kirin Acecook đã được người tiêu dùng đón nhận khá nồng nhiệt. Một trong những nguyên nhân của thành công này là do Kirin Acecook đã có hướng đi đúng đắn khi quyết định đầu tư đổi mới dây chuyền công nghệ hiện đại, sản xuất ra những sản phẩm có chất lượng cao, tạo được niềm tin ở người tiêu dùng.
Ngoài việc đầu tư vào các công nghệ mới, các doanh nghiệp trong lĩnh vực đồ uống, nước giải khát cũng đang có xu hướng áp dụng các giải pháp công nghệ thông tin vào hoạt động sản xuất - kinh doanh, trong đó, đặc biệt quan tâm đến hệ thống phần mềm quản trị doanh nghiệp ERP.
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Giám đốc kinh doanh của Công ty Tectura Việt Nam, đơn vị chuyên cung cấp giải pháp ERP nhận xét, theo một cuộc khảo sát gần đây của Công ty, hiện có khoảng 20% doanh nghiệp đồ uống sẵn sàng triển khai ERP. Quá trình quản lý và thu hồi vỏ chai trên toàn bộ hệ thống phân phối là ưu tiên đầu tiên cho việc ứng dụng giải pháp ERP.
Theo một chuyên gia marketing, cuộc chạy đua công nghệ không chỉ góp phần nâng cao chất lượng của sản phẩm đồ uống, nước giải khát, mà còn là đòn bẩy đưa thương hiệu của doanh nghiệp lên cao hơn trong mắt người tiêu dùng và đối tác. Vì thế, cuộc cạnh tranh công nghệ hiện mới chỉ được coi là ở vạch xuất phát, nên các doanh nghiệp phải luôn tìm tòi và tiếp tục đầu tư nhiều hơn nữa.
Bia việt hà